Sau bao uất ức, nay em đã không nhịn được cũng một phần vì thương mẹ đẻ em vì bị ức hiếp. Em quyết làm cho ra nhẽ với mẹ chồng.

Em viết những dòng này mà không dám khóc, vì sợ tí mẹ em ở ngoài đồng về trông thấy mắt em đỏ bà lại càng suy nghĩ. Cuộc đời em khổ từ bé, nhưng em không nghĩ đến ngày em đi lấy chồng, kiếm được đồng tiền rồi mà em vẫn khổ thế này.

Nhà em vốn thuộc diện nghèo, nghèo thực sự. Năm em học cấp 2, bố em đi kinh tế mới rồi lấy vợ khác. Từ đó ông ta không hề ngó ngàng gì đến mẹ con em, một đồng cũng không chu cấp. Tuy bố mẹ em chưa ra tòa (vì ông cũng không về lại quê cũ nữa) nhưng em cũng xác định luôn là em không có bố.

Được cái nhà em nghèo nhưng mẹ em rất thương em, bà nhịn đói cũng cố cho em đi học đại học. Bà cũng bảo ban em rất kĩ, vì thế tuy nghèo nhưng em cảm thấy mình không hèn.

Em học đại học khoa tiếng Trung, trong quá trình học tập rất cố gắng, từ năm thứ 3 em bắt đầu xin việc làm thêm kiếm được ít tiền tự lo cho mình. Tuy nhiên không hiểu sao, em cũng có năng lực, có kinh nghiệm mà lúc ra trường cứ lận đận mãi chẳng xin được việc.

Cũng là năm thứ 3, em có bạn trai, anh ấy cùng quê, cách nhà em gần chục cây nhưng nhà ở trên thị trấn. Anh ấy hiền và thương em. Hoàn cảnh nhà anh ấy thì bố mất sớm, cũng chỉ có hai mẹ con với nhau. Em ngỡ có đôi chút tương đồng về hoàn cảnh thế thì hai gia đình dễ thông cảm cho nhau, nhưng sự thật thì hoàn toàn không phải thế. Mẹ chồng của em gọi là ghê gớm thôi chưa đủ mà phải nói là tai quái mới đúng. Lúc yêu em có về chơi mấy lần, biết bà ghê nhưng chưa động chạm gì nhiều nên chưa biết sợ.

Cuối cùng em cũng đã khẩu chiến với mẹ chồng - Ảnh 1.
Nhà em nghèo nhưng mẹ em rất thương em, bà nhịn đói cũng cố cho em đi học đại học. (Ảnh minh họa)

Sau khi em ra trường được nửa năm, chưa có việc nhưng người yêu em vẫn quyết định làm đám cưới. Lúc về làm dâu, em mới được nghe hàng xóm kể biết bao nhiêu chuyện, toàn chuyện xấu xa, từ cách mẹ chồng em ăn ở chẳng được lòng ai đến chuyện những năm bố chồng em ốm, bà ta đối xử tệ bạc như thế nào.

Quan trọng hơn, mẹ chồng em khinh nhà em ra mặt vì “đồ nhà quê nghèo nàn, đến cái nhà tử tế để ở cũng không có”. Trong khi nhà chồng em cũng thuộc dạng lao động bình thường thôi chứ chẳng cao sang gì. Em về làm dâu mẹ chồng chưa bao giờ nói với em được một câu tử tế, toàn mày tao, giọng thì lúc nào cũng cao vút quãng 8.

Thỉnh thoảng có gì em chưa biết hay làm sai thì thay vì bảo ban, bà lại mỉa mai, ý rằng loại con nhà nghèo như em thì làm gì mà được giáo dục những thứ ấy. Em uất ức lắm nhưng là dâu mới nên cũng không dám cãi. Cũng may cưới nhau được hai tháng thì em xin được việc làm phiên dịch, đi làm suốt cũng tránh va chạm với mẹ chồng hơn.

Chỗ làm của em lương cũng khá, mỗi tháng được tầm 15 triệu. Từ ngày em đi làm, bà ta bày vẽ đủ thứ, hết gợi ý lại vòi vĩnh vợ chồng em mua cái này sắm cái kia. Chồng em đi làm lương có hơn 6 triệu, thế là em lại phải bỏ tiền ra trong khi mẹ chồng em cũng có lương hưu nhưng một đồng cũng không chịu chi, kể cả ăn uống cũng toàn ăn của vợ chồng em.

Nhiều khi em nghĩ đến mẹ đẻ, nuôi em từng ấy năm em chưa báo đáp được gì em tủi thân trào nước mắt. Em chỉ cố gắng mỗi thán biếu mẹ được chút tiền, mặc dù em biết tính mẹ kham khổ, chắc chẳng chịu tiêu đâu.

Rồi có bầu và sinh con. Lúc em ở cữ, mẹ em cứ vài ngày lại mang lên cho em thịt, nghệ tươi với rau dưa. Mẹ chồng em thì vì khinh nhà em nghèo nên mẹ em đến, bà không chào hỏi, cứ dửng dưng. Em nuôi con nhỏ bà cũng chẳng đỡ đần gì, nhưng em không dám nói với mẹ đẻ sợ mẹ lo.

Hôm vừa rồi, mẹ em điện lên bảo rau ngót tốt mẹ cắt lên cho mà ăn, em bảo thôi để em mua ở chợ cho tiện, nhưng mẹ em cứ bảo rau nhà sạch, để mẹ mang lên ăn cho yên tâm.

Buổi trưa hôm ấy, mẹ em phóng con xe máy cà tàng đi cả chục cây số mang lên cho em mấy bó rau ngót. Em ra cổng đón mẹ mà nước mắt chỉ chực trào ra. Em thương mẹ quá, bèn bảo: “Mẹ vào ngồi, tí con nấu cơm ăn xong rồi về”.

Mẹ chồng em ở trong nhà nghe thấy mới nhảy ra mắng em ngay trước mặt mẹ em: “Mày tưởng đây là nhà mày à mà muốn làm gì thì làm. Mày muốn ăn cơm với mẹ mày thì về nhà mày mà ăn”.

Rồi bà ta nhìn mấy bó rau ngót, tiếp tục lớn tiếng chì chiết mẹ em: “Bà mang mấy cái bó rau ranh lên làm gì, 10 nghìn thì tôi ra chợ mua cả gánh. Gớm thôi, rau với cỏ, có thì mang tiền cho con gái ấy”.

Cuối cùng em cũng đã khẩu chiến với mẹ chồng - Ảnh 2.
Chồng em gọi điện, chưa cần biết sự thật thế nào đã chửi em bắt em về. (Ảnh minh họa)

Mẹ em lặng người đi. Đến nước này, em làm sao mà nhịn được nữa, em xông vào chửi nhau tay đôi với mẹ chồng, xưng tôi bà luôn. Mẹ em thì ra sức can ngăn, nhưng em ức qua nên nói hết. Em bảo: “Bà tưởng bà cao sang lắm à, bà xem nhà bà từ cái bếp ga đến bộ bàn ghế là ai sắm? Thức ăn bà ăn hàng ngày cũng là tôi bỏ tiền ra. Bà có quyền gì mà nói mẹ tôi thế?”

Rồi em bảo mẹ em về. Em vào nhà đóng gói quần áo. Mẹ chồng em chắc cũng chột dạ, vì không nghĩ em dám cãi thế. Bà giằng co không cho em đi, nhưng ý em đã quyết, giữ không được, bà ta lại chửi lại nói mỉa. Em mặc kệ, soạn đồ xong em bế con đi.

Đến tối chồng em đi làm về, chắc chắn bà ta lại kể chuyện thêm mắm dặm muối đổ tiếng xấu cho em. Chồng em gọi điện, chưa cần biết sự thật thế nào đã chửi em bắt em về. Nói thật là sau cú điện thoại của chồng em không còn thiết tha gì nữa. Em thiết nghĩ, giờ em đi làm có tiền, mẹ em vẫn khỏe vẫn trồng trọt được. Vậy tội gì mà em phải làm hùng hục để hầu hạ, mua sắm cho những con người kia. Em định ly hôn rồi về ở với mẹ làm mẹ đơn thân luôn.

Nói thật, em vẫn còn yêu chồng nhưng em biết anh rất nghe mẹ. Em sợ rằng nếu về rồi anh cũng nghe mẹ mà dày vò em thôi. Rất mong các chị cho em lời khuyên và động lực để đưa ra quyết định cuối cùng.

Nguồn: Emyeuanh.vn sưu tầm