Nghiên cứu mới công bố của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết dù virus Zika tồn tại đến 2 tuần trong nước bọt người bệnh, hôn môi không truyền nhiễm vì tính chất đặc biệt của nước bọt.

Mới đây, các nhà nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health – NIH) ủy nhiệm đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn và đưa ra lời khẳng định: bạn hoàn toàn không phải sợ bị nhiễm bệnh khi hôn môi hoặc dùng chung một chiếc muỗng, nĩa ăn. Các kết luận này đã được công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 1/8.

Nghiên cứu về nước bọt này được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ từ năm 2016, với nhiều ê-kíp nghiên cứu cùng thực hiện song song nhiều khảo sát, thử nghiệm. Một trong những bước quan trọng của nghiên cứu là một thí nghiệm dựa trên các cá thể nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh thuộc loài khỉ Rhesus Macaque ở Viện Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Wisconsin. Kết quả cho thấy không có con khỉ lành nào bị nhiễm bệnh từ những con khỉ mang virus Zika, dù đã bị đưa nước bọt của khỉ bệnh vào mũi, họng, mắt và chúng vẫn songkhoe bình thường.

Một số thử nghiệm khác cũng cho kết quả rất bất ngờ. Matthew Aliota, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Y khoa Thú y UW-Madison đã tiến hành thí nghiệm với nước bọt khỉ. Khi ông thêm nước bọt khỉ vào các khay chứa virus Zika trong phòng thí nghiệm, nước bọt này làm giảm hẳn khả năng lây nhiễm của virus sang các tế bào.